Thị trường Carbon – Nhiều hiệp hội thị trường carbon thuộc các quốc gia trong khối ASEAN đã đồng ý khởi xướng đối thoại về phương pháp luận carbon, mặc dù hợp tác toàn diện về mọi mặt, bao gồm cả giao dịch, vẫn còn là một mục tiêu dài hạn.
Bước đầu tiên có thể là công nhận lẫn nhau về các phương pháp luận carbon, điều này sẽ giúp đẩy nhanh các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu khi cho phép một dự án carbon ở một quốc gia sử dụng phương pháp phát triển từ quốc gia khác, bà Wei-nee Chen, trưởng phòng thị trường carbon của Bursa Malaysia cho biết.
Các quốc gia thành viên ASEAN bao gồm: Brunei Darussalam, Myanmar, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Tính đến nay, Indonesia, Malaysia và Thái Lan đều đã phát triển hoặc công bố ý định xây dựng các phương pháp luận carbon quốc gia dành cho các dự án trên lãnh thổ của họ, trong khi các nước khác tìm cách hợp tác với các tổ chức đăng ký quốc tế như Verra hoặc Gold Standard.
Ngoài ra, một số quốc gia ASEAN đã cố gắng xây dựng vị thế như một trung tâm giao dịch tín chỉ carbon, dẫn đến lo ngại rằng thị trường có thể bị phân tán, không tập trung vào một tiêu chuẩn duy nhất, gây ra tình trạng thanh khoản bị chia tách.
“Chúng ta không có đủ thời gian để ‘phát minh lại bánh xe’ cho từng quốc gia riêng lẻ,” bà Suhaini Haron, giám đốc cấp cao của Quỹ Rừng Malaysia, cho biết.
“Mọi quốc gia trong ASEAN cần xem xét điểm mạnh của mình và tập trung vào điều đó, đồng thời có một hình thức hợp tác để công nhận vị thế của nhau.”
“Chẳng hạn, Thái Lan đã phát triển các phương pháp luận hiệu quả cho quản lý chất thải hoặc năng lượng tái tạo. Malaysia có thể tập trung vào tín chỉ từ rừng, còn Indonesia cũng vậy, vì quốc gia này có diện tích rừng lớn, phù hợp cho các dự án bù trừ carbon,” bà kết luận.
Sáng kiến này – Khung Carbon Chung ASEAN – cũng sẽ hướng tới xây dựng một nguồn lực chung, đặc biệt cho các tổ chức xác minh và thẩm định (VVB), những đơn vị đóng vai trò chủ chốt trong phát triển các dự án carbon nhưng vẫn còn thiếu tại khu vực Đông Nam Á.
Việc liên kết chính thức giữa các hệ thống giao dịch phát thải trong khu vực có thể sẽ được thực hiện ở giai đoạn sau.
Các hiệp hội đã đồng ý hợp tác bao gồm:
- Hiệp hội Giao dịch Carbon Indonesia;
- Hiệp hội Thị trường Carbon Malaysia;
- Hiệp hội Tài chính Bền vững Singapore; và
- Câu lạc bộ Thị trường Carbon Thái Lan.
Dự kiến, một bản ghi nhớ hợp tác chính thức dự kiến sẽ được ký tại Hội nghị COP29 ở Baku vào tháng tới.